(Tinmoi.vn) Giữa Vừ Già Pó, anh chàng dân tộc thiểu số không biết tiếng Kinh, và những kẻ ăn mặc là lượt nói tiếng Anh như gió nhưng lại tiêu thụ đồ ăn cắp ở đất khách, ai mới là người luôn nhớ và tự hào mình là công dân Việt Nam?
Chuyện về Vừ Già Pó, người đàn ông có cuộc hành trình bí ẩn dài tới 5800km băng qua dãy Hymalya đến tận Pakistan đang khiến dư luận sửng sốt.
Người ta hào hứng trước một chuyện khó tin mà có thật, một người không giấy tờ tùy thân, không tiền bạc, ngoại ngữ một chữ bẻ đôi không biết, đã vượt qua chặng đường dài và hiểm trở hơn cả hành trình thỉnh kinh của Đường Tam Tạng, trong một quãng thời gian ngắn hơn rất nhiều (2 năm so với 14 năm). Cảm hứng mà người đàn ông H’mông 37 tuổi này khơi nên lớn đến nỗi tạo thành những chủ đề sôi nổi trên mạng xã hội. Ngay cả giáo sư Ngô Bảo Châu cũng phải “thốt lên” trên Facebook: “Anh đã trở thành một biểu tượng, một Odysseus của thời đại!”. Trong thời của máy bay và tàu cao tốc, chuyến vượt núi trèo non bằng đôi chân trầy trụa của Vừ Già Pó gợi nhớ đến những nhân vật huyền thoại với hành trình huyền thoại thời cổ đại cách đây hàng nghìn năm như Đường Tăng và Odysseus, nếu có gây những chấn động trong cảm xúc của cộng đồng cũng là điều dễ hiểu.
Người ta xúc động vì sự may mắn đến kỳ diệu của con người ấy: cho dù không có khả năng giao tiếp để bộc lộ mình là ai, đến từ đâu, nhân thân Vừ Già Pó cuối cùng vẫn được xác minh và ngày hồi hương, đoàn tụ gia đình đang đến gần. Sự may mắn ấy một phần do cơ duyên run rủi, một phần do lòng tốt của người bản xứ, cùng với tình đồng bào của người Việt. Việc một kẻ nhập cư bất hợp pháp, không giấy tờ chứng minh nhân thân, được cộng đồng bản xứ bao bọc và nhiệt tình bảo nhau tìm mọi cách giúp tìm đường về nhà, có lẽ không phải là chuyện mà chúng ta dám nói là vẫn thấy thường ngày.
Nhưng có lẽ, cảm xúc rõ nét nhất mà người đàn ông khắc khổ đang ở hoàn cảnh đáng thương đó gây nên cho những người đồng bào của mình là sự kính trọng. Sự kính trọng đến từ những người “đẳng cấp” hơn anh cả về điều kiện kinh tế lẫn trình độ văn hóa, giáo dục, sau khi nghe thông điệp mà Vừ Già Pó nhắn gửi trên clip: “Tôi là Vừ Già Pó, tôi ở Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Bây giờ tôi chỉ đi lao động Trung Quốc, tôi không phải là người xấu, người buôn bán hay trộm cắp, tôi bị bộ đội (Pakistan) bắt tôi về giam được 3 tháng. Bây giờ mong nước bạn đưa tôi về biên giới Việt Nam để tôi trở về nuôi con cái và gia đình. Gia đình tôi gồm: vợ tôi là Ly Thị Lía - xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, con gái cả là Vừ Thị Chúa cũng ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, con thứ hai là Vừ Thị Hờ, con thứ ba là Vừ Mí Súa, con thứ tư là Vừ Mí Chả và con thứ năm là Vừ Mí Vư là các con trai. Cả nhà tôi ở Khâu Vai còn 6 mẹ con, mong cơ quan chức năng đưa tôi về biên giới Việt Nam để chăm sóc vợ con tôi. Tôi không phải là người Trung Quốc, tôi mong cơ quan chức năng đưa tôi về Việt Nam, cơ quan chức năng hết bao nhiêu tiền tôi sẽ trả. Nay tôi nghèo tôi mới đi làm thuê, tôi không phải là người xấu, hay trộm cắp. Tôi là Vừ Già Pó - xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Vì ông Vư với ông Phình đưa tôi đi làm thuê chứ không phải tôi đi trộm cắp, nay tôi xin hãy đưa tôi về. Hết bao nhiêu tiền tôi sẽ trả song tôi phải về Việt Nam, tôi không phải là người Trung Quốc. Tôi xin cán bộ đưa tôi về Việt Nam để chăm sóc vợ con và gia đình. Xin hãy đừng làm gì tôi để tôi được trở về nước”.
Vẻ mặt mệt mỏi, Vừ Già Pó diễn đạt một cách khá rông dài và lủng củng, nhưng thông điệp quan trọng đã được anh nhắc đi nhắc lại: Tôi là người Việt Nam, và tôi là người tốt. Trên Facebook, giáo sư Ngô Bảo Châu viết: “Anh đi tìm một cái gì đó mà chưa thấy. Giờ thì anh đã quên mình đang tìm cái gì. Thực ra tìm cái gì không quan trọng, quan trọng nhất anh luôn nhớ mình là người tốt”. Và còn một điều anh luôn nhớ dù không thể nói ra bằng tiếng Anh hay tiếng Việt (tiếng Kinh): anh là người Việt Nam.
Vừ Già Pó nghèo nên anh mới phải xa xứ đi làm thuê, chứ không trộm cắp. Anh nhắc đi nhắc lại điều đó với sự tự tin, khẳng khái của một người đàn ông gánh vác trách nhiệm làm chủ gia đình. Nghèo, lại lâm cảnh rủi ro khiến bao người ái ngại, thương cảm, nhưng anh không ngửa tay xin. Pó nói, tiền đưa Pó về, hết bao nhiêu anh sẽ trả!
Nếu “thức thời” và biết cách tận dụng lòng thương cảm rất dễ lây lan của Cộng đồng mạng như cách mà một cựu minh tinh màn bạc đã làm để giữ lại ngôi biệt thự giá hàng chục tỷ đồng của mình, thì Pó cũng sẽ “thu hoạch” được không ít. Nhưng một là Pó không biết gì về internet, hai là Pó quen tư duy theo lối “tôi nghèo thì tôi đi làm thuê nuôi vợ con tôi”. Anh không ngửa tay xin ai, càng không ăn cắp. Bởi vì anh tự trọng. Bởi vì anh là người Việt Nam.
Chắc chắn rằng Pó chẳng có ý định đại diện cho ai khi phát biểu như vậy, anh chỉ nói về chuyện của mình, nhưng lại vô tình, một cách giản dị nhất, đem đến ấn tượng về phẩm chất đẹp đẽ của người Việt: tự trọng, tự chủ, trung thực, cần cù… Nếu cần một “đại sứ văn hóa” đem giới thiệu những nét đẹp của con người Việt Nam ra quốc tế, chắc chắn không ai nghĩ đến một người đàn ông quê mùa, nhàu nhĩ, mù chữ, tiếng phổ thông còn không biết như Vừ Già Pó. Có điều giữa Pó và các tiếp viên hàng không xinh đẹp nói tiếng Anh như gió nhưng lại vận chuyển hàng ăn cắp để kiếm tiền, những du khách Việt lấy cả đống đồ ăn vào đĩa rồi bỏ mứa khiến các nhà hàng buffet ngoại quốc phải để biển khuyến cáo bằng tiếng Việt, những mỹ nữ bán mình làm vợ người Đài Loan, Hàn Quốc khiến trai ế các xứ ấy hình thành một “hiểu biết” đáng xấu hổ rằng Việt Nam là nơi có thể “mua” vợ với giá rẻ mạt…, ai mới luôn nhớ mình là người Việt, ai mới luôn tự hào về điều đó và hành xử xứng đáng với danh xưng đó?
Mai mốt Vừ Già Pó được giúp đỡ, sẽ về nhà đoàn tụ với vợ con, với bè bạn, xóm giềng ở tít Khâu Vai. Sau buổi ăn mừng, chắc anh sẽ lại vùi đầu vào làm lụng quần quật để trả nợ, để nuôi vợ con. Anh chẳng đọc báo hay lên mạng bao giờ nên hẳn cũng không biết mình lại nổi tiếng và làm “tốn giấy mực” của thiên hạ đến vậy. Anh không nói mình tự hào là người Việt, cũng không có ý định tuyên truyền vẻ đẹp văn hóa Việt khi ra xứ người. Anh chỉ lăng lẽ sống và lao động với đúng nguyên tắc làm người của mình. Và như thế, vẻ đẹp của phẩm cách Việt cũng lăng lẽ lan tỏa.
Minh Chính